Saturday, June 6, 2009

VIỆT NAM HÀNG HẢI HỌC HIỆU
ÉCOLE DE NAVIGATION MARITIME
VIETNAMIENNE
TRƯỜNG VIỆT NAM HÀNG HẢI
THÀNH LẬP - ĐỊA ĐIỂM
Trường Hàng Hải được chính thức thành lập vào năm 1951, do nghị định số 155-Cab/SG ngày 27-12-1948.
Đầu tiên trường tọa lạc tại khu Hỏa Xa đường Phạm Ngũ Lão với danh hiệu: Việt Nam Hàng Hải Học Liệu. Sau một thời gian được dời đến khuôn viên trường Pétrus Ký, giữa Đại học Sư Phạm và trường Pétrus Ký. Đến năm 1957, Trường được xác nhập vào Trung Tâm Quốc Gia Kỹ Thuật do sắc lệnh số 213 GD ngày 26-09-1957 của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa,
và dời về Phú Thọ trong khu vực các trường kỹ thuật với danh hiệu: Trường Việt Nam Hàng Hải.
Trung Tâm Quốc Gia Kỹ Thuật là cơ sở giáo dục duy nhất tại Việt Nam về các ngành Điện, Hóa học, Công chánh, Công nghệ và Hàng hải, tọa lạc trên một khu đất rộng lớn, nơi góc đường Nguyễn Văn Thoại và Tô Hiến Thành. Diện tích xây cất tổng cộng lên tới trên 20000 thước vuông, với năm tòa nhà hai và ba tầng, gồm văn phòng, lớp học, giảng đường, cơ xưởng và phòng thí nghiệm.

SÁNG LẬP VIÊN – GIÁM ĐỐC
Trường Hàng Hải do Ông Trần Văn Bạch, Kỷ sư Kiều Lộ sáng lập. Kỷ sư Bạch là nguyên Tổng Trưởng Bộ Công Chánh và cựu Giám Đốc của trường Hàng Hải.
Sau đây là danh sách các vị đã giữ chức vụ Giám Đốc của trường Việt Nam Hàng Hải từ trước tới nay:
- Kỷ sư Trần Văn Bạch,
- Ông Lê Hữu Kỳ,
- Ông Đặng Văn Châu, Viễn Dương Thuyền trưởng Pháp,
- Ông Phùng Lương Ngọc, Viễn Dương Thuyền trưởng Pháp, Cựu Thuyền trường tàu Việt Nam Thương Tín 1, Giám Đốc kỹ thuật Công ty Việt Nam Hàng Hải,
- Ông Nguyễn Tấn Quyền, Kỷ sư Điện Grenoble, Xử lý thường vụ Giám Đốc,
- Ông Đỗ Ngọc Oánh, Kỷ sư tốt nghiệp tại École des Élèves des Ingénieurs Mécaniciens Pháp. Kỷ sư, Hải Quân Thiếu tá, Xử lý thường vụ Giám Đốc,
- Ông Phạm Văn Sanh, tốt nghiệp tại École Navale Pháp, Hải Quân Thiếu tá.

MỤC TIÊU THI TUYỂN
Trường Việt Nam Hàng Hải chỉ đào tạo:
Ban Chỉ Huy:
-Thuyền Trưởng Viễn Duyên (Grand Cabotage),
- Thuyền Trưởng Cận Duyên (Petit Cabotage),
Ban Cơ Khí:
- Sĩ Quan Cơ Khí Hạng nhất,
- Sĩ Quan Cơ Khí Hạng nhì.
Hàng năm thí sinh dự kỳ thi tuyển rất đông; như năm 1971, khoảng 1200 thí sinh cho ban Chỉ huy và 950 cho ban Cơ khí. Từ trước đến nay trường chọn mỗi ban khoảng 23 người trúng tuyển vào năm thứ nhất. Muốn dự kỳ thi tuyển vào trường, thí sinh phải có văn bằng Tú tài 1 phổ thông (Ban B) hay kỹ thuật trở lên.
Các môn thi áp dụng cho 2 ban gốm có:
Chung cho cả 2 ban:
- Đại số và Số học (hệ số 2),
- Sinh ngữ: Pháp, Anh (hệ số 2),
Riêng cho mỗi ban:
- Ban Chỉ huy: Môn Hình học và Lượng giác (hệ số 3),
- Ban Cơ khí: Môn Vật lý (hệ số 3).

THỜI GIAN THỰC TẬP
Sau hai năm học tại trường và đã thi đậu bằng lý thuyết, Sinh viên sẽ thực tập trên các thương thuyền 60 tháng. Trong thời gian thực tập các sinh viên sẽ đảm trách các chức vụ kể sau:
- Ban Chỉ huy: 24 tháng đầu với tánh cách học viên (Élève), tiếp theo sẽ lên Sĩ quan (lieutenant gọi là “dịch”), một thời gian sau được lên Thuyền phó (second gọi là “goòng”);
- Ban Cơ khí: 24 tháng đầu với tánh cách học viên cơ khí (élève mécanien), lên Sĩ quan hạng ba, nhì, Cơ khí trưởng.

CÁC MÔN HỌC
Các môn học giảng bằng Việt ngữ, một số tài liệu học có tánh cách chuyên môn được giảng bằng tiếng Pháp.

BAN CHỈ HUY:
- Thiên văn học (Cosmographie),
- Hàng hải học (Navigation),
- Toán Hàng Hải (Calcul nautique),
- Kỹ thuật tàu (Technique du navire),
- Vận chuyển - Chuyển hàng – Phòng tai
(Manoeuvre – Manutention – Sécurité),
- Quy luật tránh đụng tàu (Règlement d’abordage),
- Hải đồ (Cartes marines),
- Tài liệu hàng hải (Instruments nautiques),
- Thủy hiệu (Hydro-Balisage),
- Hải hiệu và hải đăng (Feuxet Phares),
- Luật hàng hải (Droits maritimes),
- Thủy thủ công (Matelotage),
- Cơ học áp dụng (Mécanique appliqué),
- Điện tử (Électromagnétisme),
- Toán, Sinh ngữ,
- Y tế (Hygiène navale).

BAN CƠ KHÍ:
- Máy tàu (Machine marines),
- Động cơ nổ (Moteurs à explosion),
- Động cơ Diesel,
- Nguội, Dũa (Adjustage),
- Hàn (Soudure),
- Kỹ nghệ họa (Dessin industriel),
- Turbine khí (Turbine à gaz),
- Kỹ nghệ lạnh (Frigo),
- Kỹ thuật học (Dessin industriel),
- Điện kỹ nghệ (Électricité industrielle),
- Cơ học áp dụng (Mécanique appliquée),
- Điện từ (Électromagnétisme),
- Nhiệt động học Thermodynamique),
- Phòng tai (Sécurité),
- Luật hàng hải (Droit maritime),
- Toán- Sinh ngữ.

GIÁO SƯ KỲ CỰU
Trường Hàng Hải có ba giáo sư kỳ cựu là:
- Giáo sư Bùi Quang Khánh, Kỷ sư tốt nghiệp Institut Électrotechnique de Toulouse, dạy Kỹ thuật và Kỷ thuật học.
- Giáo sư Nguyễn Tấn Quyền, Kỷ sư tốt nghiệp Cao Đẳng Điện học Grenoble, Pháp, dạy Cơ học áp dụng, nhiệt động học, điện kỷ nghệ.
- Giáo sư Nguyễn Văn Đức, Kỷ sư Công Chánh, dạy môn Thủy đạo học.
- Cựu sinh viên trường Hàng Hải: Những sinh viên tốt nghiệp các khóa đầu tiên của trường Việt Nam Hàng Hải, giữ những chức vụ cao cấp trong quân đội, Hải Quân, trong ngành thương thuyền, và trong các ngành kỹ nghệ nước nhà.
Vì nhu cầu của ngành thương thuyền quốc gia, trường Việt Nam Hàng Hải, trước năm 1975, đang trên đà nâng cấp lên bậc đại học để đào tạo những viễn dương thuyền trưởng và các kỷ sư cơ khí hàng hải để chỉ huy các loại tàu lớn chạy trên các trục hải hành quốc tế.

Sưu tầm





1 comment:

  1. Riêng đệ (Lại Gia Định), Trường Hàng Hải Việt Nam vào dễ khó ra. Năm 1972 “Mùa Hè Đỏ Lửa”, vừa xong TT 1, đệ ghi tên dự thi HH. Trường khi đó còn dùng một số từ tiếng Pháp, vì không rõ ban Pont là gì, nên đệ ghi thi ban Méchanique. Ngày đầu nhập học, nhiều bạn đồng lớp mang theo dụng cụ thước T, bảng vẽ, cuộn giấy vẽ, thước tính, . . . ; lgđ không rõ mô tê gì, hỏi, mới biết các món đó cho môn Kỹ Nghệ Hoạ, môn ghê gớm, đáng sợ lắm. Vài hôm sau, trường dán thông báo, năm sau 1973 mở khoá Viễn Dương 4 năm. Khi đó đệ đã rõ ban Pont là gì, nên trở về trung học phổ thông học tiếp lớp 12 để thi Tú 2. Phú Thọ 1973, với Thầy Võ Thế Hào là Giám Đốc Trường Khoa Học Cơ Bản, lần đầu tiên và duy nhất, tất cả thí sinh trúng tuyển Phú Thọ sẽ không chọn ngành học khi ghi tên thi, và chọn ngành theo ưu tiên điểm cuối năm 1. Thế là lgđ phải phấn đấu năm 1 để cuối năm được vào Ban Chỉ Huy Trường Hàng Hải. Lớp Chỉ Huy Viễn Dương khoá 1 khi đó có các Thầy Phạm Văn Sanh, Phùng Lương Ngọc, Nguyễn Nhất Thống (Thuyền Trưởng Việt Nam Thương Tín), Trịnh Tiến Hùng (Trung Tá Hải Quân), . . . .
    Rồi Đổi Đời 4-1975!
    LGĐ laigia@yahoo.com

    ReplyDelete