Wednesday, August 5, 2009

TRƯỜNG HÀNG HẢI VIỆT NAM






TRƯỜNG HÀNG HẢI VIỆT NAM
Bùi Ngọc Hương



Lời mở đầu
Xin chân thành cảm tạ quý vị Niên Trưởng Hàng Hải và Hải Quân, các bạn chủ trương các trang nhà vnhanghai.com, hanghaitruongxua.net đã giúp cho chúng tôi những tài liệu quý báu để hoàn thành bài tham khảo về trường Hàng Hải Việt Nam trong thời gian trải dài hơn 30 năm từ 1940 đến 1975. Những sơ sót nhứt định phải có. Kính xin các bạn bổ túc và sửa những chỗ sai lầm giùm. Cảm ơn. B.N.H.

Bắt đầu từ năm 1957, trường Hàng Hải sát nhập vào Trung Tâm Quốc Gia Kỹ Thuật Phú Thọ với danh xưng là Trường Việt Nam Hàng Hải. Về sau trường được nâng lên bậc Cao Đẳng nhằm đào tạo các Viễn Dương Thuyền Trưởng và Kỷ Sư Cơ Khí Hàng Hải. Đến sau biến cố năm 1975, trường được tiếp thu bởi trường Hàng Hải Hà Nội.

Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, trường Hàng Hải đào tạo những chuyên viên kỹ thuật phục vụ trên các tàu bè phần lớn là các thương thuyền, những cơ sở ngành nghề có liên hệ đến biển cả, sông ngòi như các thương bến cảng, các đoàn hoa tiêu dẵn dắt tàu bè ngoại quốc ra vào các thương cảng, các công tác công chánh như phà, xáng hút, thủy hiệu kiểm soát các phao đèn, thanh tra hàng hải ở Nha Thủy Vận, Quan Thuế, v…v…
Ngoài ra, có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp trường Hàng Hải đã đáp lời sông núi gia nhập vào Hải Quân nhứt là những năm đầu thành lập Quân chủng nầy trong thập niên 1950.

Lịch sử trường Hàng Hải xin phép được chia ra làm 2 giai đoạn, chúng ta hãy lấy năm 1950 làm dấu mốc vì theo Hiệp Định Hạ Long ký kết giữa Quốc Trưởng Bảo Đại và Chính phủ Pháp năm 1949 thì các cơ sở hành chánh và quân sự được Pháp trao trả lại cho Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa vào lúc nầy.
Theo lời quý vị niên trưởng Hàng Hải và Hải Quân, khoảng năm 1942, danh xưng đầu tiên của trường Hàng Hải là École des Mécaniciens Asiatiques được thành lập chiếu theo nghị định ngày 20-2-1940 của Thống Đốc Nam Kỳ Rodier.
Mục đích của trường nhằm đào tạo các Sĩ quan Hàng Hải các khóa ngành Chỉ Huy (Service Pont), ngành Cơ Khí (Service Machine), ngành Vô Tuyến Điện (Service Radio) để phục vụ trên các chiến hạm Pháp ở Đông Dương. Có một số sinh viên cam kết sẽ phục vụ trong một thời gian qui định trên các chiến hạm Pháp hoặc trong các cơ sở thuộc Hải Quân Pháp như Ba Son, v…v… sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra có nhiều người sẽ thành những kỹ thuật gia phục vụ trong các ngành kỹ nghệ, công nghệ và xí nghiệp Pháp tại Đông Dương.
Trường lúc bấy giờ tọa lạc tại đường Đỗ Hữu Vị, Chợ Củ Saigon. Vị Giám Đốc sáng lập trường là Emmanuel Rosel, một Kỷ sư Công nghệ cũng là Đại úy Hải Quân Pháp. Có một lúc trường mang tên là École Rosel.
Năm 1942, theo lời một cố Niên Trưởng, cựu Hoa Tiêu Sông Saigon, trong thời gian nầy, Nhựt Bổn chiếm đóng tất cả các trường học làm trại binh, trường được chuyển vào Sở Ba Son. Các anh học trên hai chiếc tàu cập bến trong Ba Son, thuộc Hải Quân Công Xưởng về sau, một chiếc có tên là Administrateur Royer dành cho các sinh viên Sĩ Quan ngành Chỉ Huy (Pont), còn một chiếc khác dùng vào việc huấn luyện các Tài Công (Patrons de Chaloupe).
Đến năm 1943, trường trở về tọa lạc trên đường Đỗ Hữu Vị, Chợ Củ Saigon lấy tên là Collège Technique (Trường Kỹ Thuật).
Trong nửa phần đầu của thập niên 1940, xuất hiện một thế hệ Sĩ Quan Hàng Hải Thuyền Trưởng cũng như Cơ Khí Trưởng lảo thành sẽ có mặt trên mọi ngành nghề có liên quan đến nền Hàng Hải Việt Nam từ Bắc chí Nam.
Sau khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, những xáo trộn chánh trị tại Saigon tàn lụi dần, trường Kỹ Thuật hoạt động bình thường trở lại. Từ năm 1947 đến năm 1950, trường đã đào tạo một số lớn chuyên viên kỹ thuật ngành hàng hải được huấn luyện trên các thương thuyền Pháp. Họ học hỏi thu thập đủ kinh nghiệm về nghề nghiệp để gánh trách nhiệm chỉ huy các tàu buôn mang cờ Việt Nam Cộng Hòa sau nầy.


Đặc biệt khóa 1947-1948, những sinh viên tốt nghiệp từ trường Kỹ Thuật đã trở thành những vị Tư lệnh Hải Quân, những sĩ quan cao cấp chỉ huy các lực lượng trong Quân Chủng Hải Quân hoặc tiếp thu lại các Đoàn Hoa Tiêu từ những chuyên viên người Pháp. Ta cũng nên nhớ rõ một vị Sĩ Quan Hàng Hải tốt nghiệp khóa nầy là ông Nguyễn Văn Thiệu, một tướng lảnh của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, về sau sẽ trở thành vị Tổng Thống của nền Đệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam.

Đến năm 1950, do Nghị Định số 155-CAB/SG ngày 27-12-1948, Trường Hàng Hải được chánh thức thành lập, và khóa học 1950-1951 được xem là khóa I Hàng Hải.
Trong những năm 1950-1951, trường tọa lạc tại khu Hỏa xa trên đường Colonel Grimaud về sau đổi thành đường Phạm Ngũ Lảo với danh hiệu “Việt Nam Hàng Hải Học Hiệu” (École de Navigation Maritime Vietnamienne). Các khóa I và II đều học nơi đây.
Từ năm 1952 đến năm 1957, trường được dời về khuôn viên Trường Trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký nằm dọc theo Đại lộ Thành Thái gần các trường Đại Học Sư Phạm, Công Chánh và Điện.

Đến năm 1957, trường được sát nhập vào Khu Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ cùng các trường Cao Đẳng Điện Học, Công Nghệ, Hóa Học, Công Chánh, Thương Mại, v…v… tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Thoại, đối diện với Cư Xá Lữ Gia ở Phú Thọ. Và do sắc lệnh số 213 GD ngày 26-9-1957, trường đã đổi danh hiệu là “Trường Việt Nam Hàng Hải” cho đến năm 1975.



Sáng Lập Viên và Giám Đốc
Trường Việt Nam Hàng Hải do ông Trần Văn Bạch, Kỷ Sư Kiều Lộ sáng lập. Kỷ Sư Bạch là nguyên Tổng Trưởng Bộ Công Chánh và là Cựu Giám Đốc Trường Việt Nam Hàng Hải. Sau đây là danh sách các vị đã từng giữ chức vụ Giám Đốc của trường Việt Nam Hàng Hải từ năm 1950 đến năm 1975.
- Kỷ Sư Trần Văn Bạch
- Ông Lê Hữu Kỳ
- Ông Đặng Văn Châu, Viễn Dương Thuyền Trưởng Pháp, cựu Hoa Tiêu Sông Saigon
- Ông Phùng Lương Ngọc, Viễn Dương Thuyền Trưởng Pháp, cựu Thuyền Trưởng tàu Việt Nam Thương Tín I, nguyên Giám Đốc Kỹ thuật Công ty Việt Nam Hàng Hải
- Ông Nguyễn Tấn Quyền, Kỷ Sư Cao Đẳng Đại Học Grenoble, xử lý thường vụ Giám Đốc


- Ông Đỗ Ngọc Oánh, Kỷ sư tốt nghiệp tại École des Ingénieurs Mécaniciens Pháp, Kỷ sư Hải Quân Thiếu Tá, xử lý thường vụ Giám Đốc
- Ông Phạm văn Sanh, tốt nghiệp trường Hàng Hải Pháp (École Navale), Hải Quân Trung Tá, vị Giám Đốc sau cùng của trường.


Mục tiêu thi tuyển
Trường Việt Nam Hàng Hải đào tạo các sĩ quan:
- Ban Chỉ Huy (Pont)
+ Thuyền Trưởng Cận Duyên (Capitaine au Petit Cabotage)
+ Thuyền Trưởng Viễn Duyên (Capitaine au Grand Cabotage)
Theo luật lệ hàng hải của Việt Nam Cộng Hòa, các tàu bè được trang trí cận duyên hàng hải chỉ được phép hải hành dọc bờ biển Việt Nam từ Cảng Saigon đến Cảng Đà Nẳng về phía Bắc.
Các tàu trang trí viễn duyên hàng hải được phép hoạt động trong vùng biển giới hạn bởi Nhật Bản phiá Bắc, Phi Luật Tân phiá Đông, Nam Dương Quần Đảo phiá Nam và Ấn Độ phiá Tây, nghĩa là bao gồm một vùng tương đối rộng ở Đông Nam Á Châu.
Bắt đầu từ năm 1973, trường Việt Nam Hàng Hải được nâng cấp lên đào tạo các Viễn Dương Thuyền Trưởng (Capitaine au Long Cours) sẽ chỉ huy các con tàu đi khắp nơi trên thế giới.
- Ban cơ Khí (Machine)
+ Sĩ Quan Cơ Khí Hạng Nhì (Mécanicien 2ème classe)
+ Sĩ Quan Cơ Khí Hạng Nhứt (Mécanicien 1ère classe)
Về điều kiện dự thi tuyển vào trường, thí sinh phải có văn bằng Tú Tài I phổ thông (Ban toán B) hay Kỹ Thuật trở lên.
Các môn thi áp dụng cho hai ban gồm có:
- Chung cho cả hai ban:
+ Đại số và số học (hệ số 2)
+ Sinh ngữ Pháp và Anh.
- Riêng cho mỗi ban:
+ Ban Chỉ Huy: Hình học và Lượng giác học (hệ số 3)
+ Ban Cơ Khí: Vật Lý (hệ số 3)
Trên thực tế, đa số thí sinh dự thi tuyển đều có bằng Tú Tài phần II ban toán, nhứt là theo học Ban Chỉ huy, sinh viên phải có kiến thức căn bản về Toán để học Lượng giác cầu (Trigonométrie Sphérique) hầu có thể giải đáp các bài toán Thiên văn Hàng Hải (Calcul Nautique) để áp dụng về sau trong lúc chỉ huy một con tàu trên đại dương.


Thời gian thực tập:
Sau hai năm học tập tại trường, các sinh viên tốt nghiệp được cấp chứng nhận đậu bằng Cận Duyên, Viễn Duyên (phần lý thuyết) hoặc Cơ Khí hạng 2, hạng 1 (phần lý thuyết) và sẽ xuống thực tập trên thương thuyền trong những chức vụ sau đây:
- Ban Chỉ Huy (Section Pont): hai năm đầu với tính cách Học viên (E.O.P.-Élève Officier Pont). Thời gian trên có thể được linh động, uyển chuyển, có thể ngắn hoặc dài hơn tùy theo nhu cầu nghề nghiệp.
Tiếp theo sẽ được bổ nhiệm làm Sĩ quan Phụ tá (Lieutenant). Sau đó có thể được lên chức Phó Thuyền trưởng (Second Capitaine).
- Ban Cơ Khí (Section Machine): hai năm đầu với tính cách Học viên Cơ Khí (E.O.M.- Éléve Officier Machine). Sau đó có thể được lên Sĩ quan Cơ Khí hạng 4, hạng 3 và Cơ Khí Phó. Trong thơì gian thực tập, việc bổ nhiệm các Sinh viên Sĩ quan vào các chức vụ trên rất là uyển chuyển tùy theo nhu cầu nghề nghiệp và số lượng tàu bè lúc bấy giờ.


Thi thực hành:
Sau khi hoàn tất 60 tháng hải hành trên các thương thuyền, các Sĩ quan Hàng Hải trở về trường tu nghiệp khoảng 6 tháng trước khi dự thi phần thực hành (Application).
Trong phần thi thực hành, các thí sinh Ban Pont, ngoài các bài thi viết về Toán Hải hành (Calcul Nautique) và các bài tính về Thủy triều (Calcul des Marées) phải qua các phần khảo sát có tính cách chuyên nghiệp, những phản ứng cấp thời trong những trường hợp đặc biệt có thể xảy ra trong nghề nghiệp của mình.
Các ứng viên trúng tuyển sẽ được cấp Văn Bằng Thực hành:
- Văn bằng Cận Duyên/Viễn Duyên Thuyền Trưởng (Brevet de Capitaine au Petit/Grand Cabotage),
- Văn bằng Cơ Khí Hạng Nhì/Cơ khí Hạng Nhứt (Brevet Mécanicien 2ème classe/Mécanicien 1ère classe). Với các văn bằng thực hành, các đương sự được chánh thức và hợp pháp đảm nhiện các chức vụ tối cao như sau trên các thương thuyền:
- Thuyền Trưởng cho các ứng viên trúng tuyển Ban Chỉ Huy.
- Cơ Khí Trưởng cho các ứng viên trúng tuyển Ban Cơ Khí.
Trên thực tế, các sỉ quan tốt nghiệp các bằng thực hành còn phải đảm nhiệm các chức vụ phụ tá như Phó Thuyền Trưởng và Cơ Khí Phó trong một thời gian từ 1 đến 2 năm mới có thể lên Thuyền Trưởng và Cơ Khí Trưởng tùy theo nhu cầu nhân sự.
Tính ra, một sinh viên từ khi bước chân vào Trường Hàng Hải phải trải qua 10 năm dài mới có thể làm Thuyền Trưởng và Cơ Khí Trưởng.


Các môn học:
Đa số các môn học được giảng dạy bằng Việt ngữ, tuy nhiên một số tài liệu có tính cách chuyên môn được trình bày bằng tiếng Pháp và Anh. Cho đến năm 1955, vì phần lớn giáo sư là người Pháp cho nên các môn học được giảng dạy có thể nói là 100% bằng tiếng Pháp.
- Ban Chỉ Huy:
. Thiên Văn Hải hành (Astronomie Nautique),
. Hải Hành (Navigation),
. Toán Hải Hành (Calcul Nautique),
. Hải Đồ và các dụng cụ hải hành (Cartes marines et Instruments
Nautiques),
. Kỷ thuật tàu (Technologie navale),
. Vận chuyển - Chuyển hàng – Phòng tai (Manoeuvre – Manutention –
Sécurité),
. Thủy thủ công (Matelotage),
. Quy luật tránh tàu (Réglèment d’abordage),
. Thủy hiệu - Hải hiệu - Hải đăng (Hydrographie – Balisage – Phares),
. Luật Hàng hải (Législation maritime),
. Y tế Hàng hải (Hygiène navale),
. Khí tượng học (Météorologie),
. Cơ học áp dụng (Mécanique appliqué),
. Toán - Điện từ (Mathématiques _Électromagnétisme),
. Sinh ngữ Pháp và Anh.
- Ban Cơ khí:
. Máy tàu (Machines marines),
. Các động cơ nổ và Diésel (Moteurs à explosion et Diésel),
. Turbine khí (Turbine à gas),
. Nguội – Dũa – Hàn (Adjustage – Soudure),
. Kỷ nghệ họa (dessin Industriel),
. Kỷ nghệ lạnh (Frigo),
. Kỷ thuật học (Technologie navale),
. Điện kỷ nghệ (Électricité industrielle),
. Cơ học áp dụng (Mécanique appliqué),
. Điện từ (Électromagnétisme),
. Nhiệt độ học (Thermodynamique),
. Phòng tai (Sécurité),
. Luật hàng hải (Législation maritime),
. Toán,
. Sinh ngữ Pháp và Anh.


Các Giáo sư kỳ cựu:
Trường Viêt Nam Hàng Hải từ ngày thành lập có những giáo sư kỳ cựu như sau:
- Giáo sư Bùi Quang Khánh, Kỷ sư tốt nghiệp Institut Électronique de Toulouse, dạy Kỷ Nghệ họa và Kỹ thuật học,
- Giáo sư Patron, dạy Thiên văn Hàng hải, Toán Hàng hải, Hải hành, Hải đồ, Dụng cụ hải hành từ 1947 đến 1955,
- Giáo sư Apex, dạy môn Hải hành,
- Giáo sư Giraud, Kỷ sư Pháp dạy Kỹ thuật học,
- Giáo sư Moreuil, Kỷ sư Pháp dạy Chuyển hàng, Phòng tai,

- Giáo sư Gallois dạy môn moteur,
- Giáo sư Gourand dạy môn machine,

- Giáo sư Corbin, Thiếu tá Hải Quân Pháp dạy Luật Hàng hải. Ông là Giám Đốc Sở Đăng ký Hàng hải (Administrateur de l’Inscription Maritime),
- Giáo sư Mérillon, cũng là Giám Đốc Sở Đăng ký Hàng hải, dạy môn Luật Hàng hải,
- Ông Lương Quang Thọ, Cựu Hoa tiêu sông Saigon, dạy môn Hải hành,
- Giáo sư Nguyễn Văn Đức, Kỷ sư Công Chánh, dạy môn Thủy Hiệu học,
- Giáo sư Jean Ducasse, Thuyền Trưởng Viễn Dương Pháp, dạy các môn Toán và Thiên Văn Hải hành.
Để đáp ứng nhu cầu hữu hiệu hóa các môn học có tính cách chuyên môn, trường đã mời nhiều viên chức cao cấp trong chánh quyền cũng như trong ngành nghề hàng hải đến cộng tác như:
- Học viện Quốc Gia Hành chánh,
- Nha Khí tượng Saigon,
- Luật sư đoàn Việt Nam,
- Nha Thủy vận,
- Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký,
- Các cựu Thuyền trưởng và Hoa tiêu,
- Hải Quân Việt Nam
Đến năm 1973, Đội Thương thuyền quốc gia phát triển mạnh mẻ với sự hiện diện của những chiếc tàu chạy ra ngoại quốc, vượt quá giới hạn của các vùng hoạt động đang có, trường Việt Nam Hàng Hải đã được nâng lên cấp Cao Đẳng nhằm đào tạo những Viễn Dương Thuyền trưởng vá các Kỷ sư Cơ khí Hàng hải để phục vụ trên các loại tàu lớn chạy trên các trục hải hành quốc tế.
Sinh viên phải học một chương trình qui định là 4 năm, nhưng khóa nầy chưa hoàn tất được vì biến cố 30-4-1975.


Trước khi kết thúc bài tham khảo nầy, thật là một điều thiếu sót nếu không đề cập đến mối liên quan mật thiết giữa hai tập hợp của những người đi biển là Hàng Hải và Hải Quân.
Từ những khóa đầu tiên thời Pháp thuộc, một số các sĩ quan hàng hải đã cam kết phục vụ trên các chiến hạm Hải quân Pháp trong một thời gian qui định sau khi tốt nghiệp.
Rồi từ năm 1947 trở về sau, đặc biệt trong những khóa đầu tiên của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, có thể nói toàn thể các khóa nầy đều là những người tốt nghiệp từ trường Hàng Hải.
Trong những năm đầu đầu thập niên 1950, vì nhu cầu phát triển quân chủng Hải Quân trong thời gian chuyển tiếp, các sĩ quan được huấn luyện cấp tốc bằng cách dùng những sinh viên hàng hải đã có những căn bản kiến thức về hải hành chuyên nghiệp chuyển đến Trung tâm Huấn luyện Hải Quân Nha Trang để bổ túc về quân sự như chiến thuật hải quân, hải pháo, v…v… và những sĩ quan tốt nghiệp các khóa đầu tiên Hải Quân đã trở thành những vị Tư Lệnh cao cấp và Chỉ huy trưởng các lực lượng Hải Quân về sau.
Hơn nữa, các Sĩ quan Hải Quân khi giải ngũ và muốn tiếp tục con đường hải nghiệp của mình, có thể về trường Việt Nam Hàng Hải dùng thời gian hành thủy của mình lúc tại ngũ để thi lấy các văn bằng hàng hải để phục vụ trên các thương thuyền hoặc các ngành hoa tiêu, thương cảng, vv...
Cũng vì mối quan hệ mật thiết giữa hai tập thể Hàng Hải và Hải Quân, trong một buổi họp khoáng đại của Tổng Hội Hải Quân trong thập niên 1990, toàn thể Đại hội đã biểu quyết đổi danh hiệu là Tổng Hội Hải Quân và Hàng Hải Việt Nam.


Chúng tôi tin rằng bài tham khảo nầy không sao tránh khỏi những thiếu sót cũng như sai lầm về thời gian và chi tiết. Chúng tôi hoan nghinh mọi ý kiến bổ túc và sửa sai để tài liệu được hoàn chỉnh hơn.
Thành thật cảm ơn.
Ngày 6 tháng 3 năm 2006
BÙI NGỌC HƯƠNG
Cựu Hoa tiêu sông Saigon

No comments:

Post a Comment